13:59:23 | 23/12/24 |
Cô bé tám tuổi và một chuyến vượt biên nửa vời.
Nhập cư bất hợp pháp, không tiền bạc phòng thân, hai mẹ con phải trốn chui trốn nhủi, lăn lóc ở lề đường và những xó ổ chuột một thời gian dài trước khi có một chỗ ở tạm bợ, được cấp giấy phép cư trú. Để kiếm tiền, mẹ cô làm nhiều công việc nặng nề khiến hai bàn tay bàn bật móng, máu chảy xối xả, để lại những vết sẹo, vết sứt gớm ghiếc không bao giờ lành. Mẹ cô từng làm cả những công việc đến quá nửa đêm mới về nhà, mà khi về thì nồng nặc mùi rượu. Phải lớn hơn một chút thì cô mới biết mẹ đi làm tiếp viên quán rượu, một nghề bẩn tưởi.
Thời gian và sự mệt nhoài là một cục tẩy thần kỳ. Những ngày thơấu, cô thi thoảng vẫn bắt gặp gương mặt của bố và em trai in trên bầu trời, trên những tàng cây, trên thân chiếc xe buýt vụt qua trước mắt. Nhưng nỗi nhớ nhung bị bôi mờ dần. Đến một ngày nào đó ở tuổi thiếu niên, cô không còn để tâm đến chuyện mình có người để nhớ. Thời gian quý như tiền và cô không có xu lẻ để đánh rơi: Sáng bận học, chiều bận làm, đêm bận ngủ. Cô chẳng muốn sớt mất thời gian của những chuyện quý báu ấy, để nghĩ đến những người không gặp được.
Cô lên trung học, học giỏi, có học bổng và đi làm thêm nên cuộc sống cũng bớt khổ sở. Nhưng hậu quả của những ngày lao lực là mẹ cô lâm bệnh nặng. Vì mặc cảm tội lỗi, vì tủi thân, bà giống như là không muốn khỏi, qua đời khi cô còn chưa hết cấp ba.
Sau khi chôn mẹ, cuộc sống của cô xuất hiện những khoảng nhàn rỗi. Thời gian mà trước đây dành để chăm sóc mẹ, giờ cô dốc vào việc học và làm. Và vẫn còn dư ra được chút ít rảnh rang vào những sáng sớm và những đêm trước giấc ngủ. Dần dần vào những lúc ấy, cô thấy mình đang mường tượng về hình dáng của bố và em. Trong cô rộn lên thôi thúc tìm lại.
Tốt nghiệp cấp ba được nửa năm, cô dành dụm đủ tiền cho một chuyến về Hải Phòng. Nhưng ngay lúc ấy, cô được học bổng sang Pháp. Cơ hội này không thể bỏ lỡ. Nếu từ chối, cô có thể vĩnh viễnsẽ chẳng thoát được chuỗi ngày sống hy vọng về một tương lai tươi sáng, nhưng lại không có tự tin vào hy vọng đó. Cô một lần nữa đi xa. Nhiều năm sau, cô trở về Hong Kong, đổi một cái tên mới: Judy Ruan – chữ Ruan khi dịch ra tiếng Việt là Nguyễn.