22:32:23 | 23/12/24 |
Sáng ngày hôm sau, anh thức dậy bởi mùi khói xộc vào mũi. Hé mắt nhìn ra sân, anh thấy bố đang đốt hết tất cả giấy tờ và hình ảnh của mẹ. Qua lời bà hàng xóm, anh biết mẹ đã đưa chị đi vượtbiên.
- Vượt biên là đi đâu hả bố? – Anh đã hỏi lại bố như thế.
- Im ngay! – Bố trừng mắt quát. Nhưng rồi nhìn dáng vẻ anh ngờ nghệch đáng thương, bố kéo anh vào lòng, nói ngắt quãng – Là đirất xa. Xa đến mức có khi con sẽ không còn gặp lại chị nữa.
Rồi những ngày sau đó, bố lao vào rượu. Trong cơn say, bố thường bước đến bên giường ngủ của anh, nói “Mẹ mày là một mụ đàn bà khốn nạn!” Trong cơn say, bố gọi tên chị. Trong cơn say, bố qua đời trong một tai nạn giao thông. Sau đó, anh được gửi vào Sài Gòn cho gia đình người cô.
Gia đình cô đem theo anh đi “vượt biên” – Lần thứ hai trong đời anh được nghe từ này. Lúc lênh đênh trên biển, những người khác đều căng thẳng và mỏi mệt, chỉ mình anh xốn xang và chờ đợi. Vượt biên – đi đến một nơi rất xa – có thể anh sẽ tìm được mẹ và chị ở đó.
Nhưng chuyến đi đó không trót lọt. Tàu bị đắm ở gần một hòn đảothuộc Mỹ. Anh được hải quân Mỹ cứu lên và đưa vào một trại tị nạn trên đảo. Không tìm thấy gia đình người cô, không có giấy tờ,anh rơi vào tình trạng lạ đời: Một đứa trẻ bảy tuổi không thân thích một mình vượt biên sang Mỹ. Nhưng cũng vì vậy mà anh may mắn ra trại nhanh hơn, được đưa đến một viện mồ côi ở Indiana. Không lâu sau, anh lại may mắn được một đôi vợ chồng người Anh nhận nuôi. Anh ở lại Mỹ hai năm, sau đó cùng bố mẹ nuôi về Anh với một cái tên mới: Ryan Furnham.
Bố mẹ nuôi từng nhờ người tìm tung tích của mẹ và chị anh ở Mỹ nhưng không có kết quả. Tấm hình duy nhất của chị, anh đã làm rơi xuống biển. Cái tên chị Nguyễn Phương Hoa cũng không là một manh mối chắc chắn. Sau vài năm, Ryan và bố mẹ nuôi bỏ cuộc. Mẹ và chị có thể đã không đến được Mỹ. Những chuyến tàu đưa người vượt biên khỏi Việt Nam thời đó, rất nhiều đã vĩnh viễn chìm sâu dưới lòng đại dương vì sóng to gió lớn.